Traveloka, startup dịch vụ trực tuyến về du lịch lớn nhất Đông Nam Á, có kế hoạch ra mắt dịch vụ tài chính ở Việt Nam và Thái Lan. Động thái mở rộng dự kiến thực hiện trước khi công ty này niêm yết tại Mỹ thông qua một công ty séc khống (blank-cheque company).
Quyết định đưa ra trong khi startup 9 năm tuổi của Indonesia với hậu thuẫn của Expedia và JD.com, đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của mình sau khi đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu người dùng. Chủ tịch Traveloka Caesar Indra chia sẻ với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã vượt qua mức trước Covid-19, gần trở lại mức bình thường ở Thái Lan và bằng một nửa mức trước đại dịch ở Indonesia.
“Điều tồi tệ nhất đã xảy ra và bây giờ chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho năm 2021. Du lịch nội địa đang thúc đẩy sự phục hồi”, ông nói.
Một nhân viên của Traveloka làm việc tại trụ sở chính của công ty ở Jakarta, Indonesia hồi tháng 8/2017. Ảnh: Reuters. |
Đại diện Traveloka cho biết thêm, kế hoạch trọng điểm trước mắt là đầu tư lớn vào lĩnh vực fintech để cho phép nhiều người tiêu dùng trong khu vực có thể đi du lịch hơn. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh du lịch cũng đã trở lại có lãi vào cuối năm 2020. Traveloka đang có 40 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Về việc mở rộng hoạt động kinh doanh, startup này đang phát triển dịch vụ “mua ngay trả sau” cho thị trường Thái Lan và Việt Nam. Ông Indra cho biết, Traveloka đã thành lập một liên doanh với một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thái Lan để hợp tác trong lĩnh vực fintech. Startup này cũng đang thảo luận với các đối tác tiềm năng ở Việt Nam, nhưng ông Indra từ chối nêu tên các bên.
Chủ tịch Traveloka cho biết, dịch vụ tương đương hai năm tuổi của Traveloka ở Indonesia, ra mắt sau khi công ty nhận ra rằng khách hàng thường phải đợi đến ngày nhận lương mới có thể đặt chuyến du lịch. Mua trước trả sau đã tạo điều kiện cho hơn sáu triệu khoản vay hình thành trên ứng dụng.
Năm ngoái, Traveloka đã ra mắt thẻ tín dụng PayLater với một số công ty cho vay ở Indonesia. Startup cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm và quản lý tài sản. Ông Indra cho biết, tiềm năng kinh doanh là rất lớn ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nơi chỉ có 6% trên dân số 270 triệu người có thẻ tín dụng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia đã bắt tay tham gia phương thức thanh toán mua trước trả sau với các nhà cung cấp như GoPay, OVO, Shopee PayLater, Traveloka PayLater và Grab, đặc biệt là kể từ khi Covid-19 bùng phát. Theo Tech In Asia, phương pháp thanh toán này đã ghi nhận nhu cầu gia tăng đột biến trong thời gian qua ở Indonesia, nhất là từ những người không muốn làm thủ tục rắc rối khi đăng ký thẻ tín dụng. Khi được hỏi liệu Traveloka có thể mua một ngân hàng ở Indonesia, giống như startup khác, để mở rộng các dịch vụ tài chính của mình hay không, Indra cho biết, tất cả các lựa chọn đã quyết định và lên kế hoạch sẵn.
Dưới sự hỗ trợ bởi quỹ tài sản quốc gia Singapore GIC và công ty liên doanh Indonesia East Ventures, startup này đã phát triển các dịch vụ phong cách sống ở Indonesia. Traveloka còn cung cấp phiếu mua hàng nhà hàng và dịch vụ giao đồ ăn. Dù chỉ đang thử nghiệm nhưng các dịch vụ này nhanh chóng phổ biến nhờ tác động của Covid-19. Indra cho biết, Traveloka đang là ứng dụng đánh giá nhà hàng lớn nhất Indonesia.
Thẻ tín dụng PayLater của Traveloka. Ảnh: Traveler Jakarta. |
Cũng theo ông Indra, thị trường Mỹ ngày càng trở nên hấp dẫn vì có nhiều đánh giá cao về Đông Nam Á như một khu vực phát triển thịnh vượng. Bằng cách niêm yết tại Mỹ, Traveloka cũng có thể “tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ trở thành một phần trong câu chuyện tăng trưởng của Đông Nam Á”.
Theo Reuters, Bridgetown Holdings có sự hậu thuẫn của nhà tài phiệt châu Á Richard Li, Provident Acquisition và Cova Acquisition, là những ứng cử viên cho Traveloka mua lại nếu muốn IPO ở Mỹ. Mức định giá tiềm năng của doanh nghiệp trên lên đến 5 tỷ USD. Phía Traveloka từ chối bình luận nhưng cho biết có một danh sách ở Indonesia vẫn đang chờ lựa chọn.
Nguồn: theo Reuters, Tech In Asia